VAI TRÒ VÀ TẦM QUAN TRỌNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP VÀ PHÂN LUỒNG TRONG GIÁO DỤC

-------- 

Trần Thị Minh Thu

Trưởng phòng GDĐH&GDTX

Hướng nghiệp và phân luồng là bước quan trọng góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước -  nền tảng vững chắc cho tương lai!

Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, mà còn góp phần cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh. Luật Giáo dục 2019, Điều 9, đã nêu rõ rằng hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

Phân luồng trong giáo dục, một phần của quá trình hướng nghiệp, là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục nhằm tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp, tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội. Đây là bước quan trọng góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.

Phân luồng học sinh sau THCS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với mỗi cá nhân mà còn đối với toàn xã hội. Việc phân luồng học sinh đúng đắn giúp cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người và nâng cao chất lượng giáo dục THPT. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn góp phần quan trọng trong việc phân công lao động một cách hợp lý, ổn định chính trị và kinh tế của địa phương. Giáo dục hướng nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện và phân luồng học sinh. Bằng cách cung cấp kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, hướng nghiệp giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường, và nguyện vọng của bản thân, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” đã được ban hành theo quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp, chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các trường học đều có giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018, xác định giáo dục hướng nghiệp bao gồm toàn bộ các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội nhằm trang bị kiến thức, hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Tại tỉnh Lào Cai, công tác phân luồng đã được chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến các cơ sở giáo dục. UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND phân luồng học sinh THCS, THPT giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phân luồng học sinh của địa phương. Các cơ sở GD&ĐT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp và tổ chức tuyển sinh, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 2567/QĐ-UBND ngày 19/8/2019 phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Với nhiều nỗ lực, kết quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã từng bước đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia lao động trực tiếp vẫn còn cao (14,53%) và nhận thức về hướng nghiệp, phân luồng của một bộ phận cha mẹ học sinh còn khá mơ hồ.

Để thực hiện hiệu quả công tác phân luồng và giáo dục hướng nghiệp, cần đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên là những người trực tiếp tham gia giảng dạy, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Chỉ khi có đội ngũ giáo viên chất lượng, công tác hướng nghiệp mới có thể đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo mục tiêu đề ra đến năm 2025 và thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018.

Với sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo, sự đồng lòng của các cơ sở giáo dục và sự nỗ lực của học sinh và phụ huynh, hy vọng rằng công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.