Vai trò của giáo viên trong công tác giáo dục hướng nghiệp, những sai lầm cần tránh

Giáo viên (GV) có vai trò quan trọng trong công tác GDHN, đặc biệt với những học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật; GV giúp HS hình thành và nuôi dưỡng thái độ nghề nghiệp cho tương lai, giúp các em tìm và lựa chọn được chuyên ngành học, nghề phù hợp với HS để phát huy tối đa năng lực của HS trong lĩnh vực nghề nghiệp trong tương lai nhằm đạt được các mục tiêu: 

Hiểu được bản thân mình, sở thích nghề nghiệp, khả năng, năng lực học tập, cá tính, giá trị nghề nghiệp của mình. Hiểu về thế giới nghề nghiệp và kết nối được từ bản thân với những ngành nghề phù hợp với sở trường. Hiểu được những yếu tố quyết định đến lựa chọn ngành nghề, từ đó hình thành năng lực quyết định nghề nghiệp tương lai dựa trên các thông tin thích hợp. 

Phát triển các phẩm chất và năng lực cho HS: Yêu lao động, thượng tôn luật pháp, tư duy phản biện, năng lực tổ chức công việc, lập luận và giải quyết vấn đề, tự tin; khả năng ra quyết định, trình bày ý kiến về nghề muốn chọn với cha mẹ, người thân…Có động lực học tập tốt các môn học và các hoạt động giáo dục cần cho nghề nghiệp sau này. 

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện tư vấn và giáo dục hướng nghiệp cho HS, giáo viên mắc một số các sai lầm khiến cho học sinh không hứng thú với hoạt động hướng nghiệp: 

1. Áp đặt, ra lệnh, chỉ đạo (theo cô em nên chọn cái này, theo cô em chọn nghề này phù hợp với em hơn nghề kia): Gây mệt mỏi, chán nản hoặc chống đối.

2. Răn dạy, rao giảng (em không nên làm như vậy, phải như thế này mới đúng, làm thế kia sẽ dẫn đến sai): Học sinh cảm thấy tự ti và mang ơn.

3. Đưa ra lời khuyên, cung cấp giải pháp (nếu là cô, cô sẽ quên việc ấy đi, chả phù hợp chút nào): Làm cho học sinh mất khả năng ra quyết định, phụ thuộc vào thầy/cô hoặc phản kháng thầy/cô, không tự giải quyết vấn đề của mình, hạn chế khả năng trải nghiệm của học sinh.

4. Thuyết phục bằng lý lẽ và tranh luận với học trò (thực tế là đa số các bạn đang làm như thế này, theo nghiên cứu này thì…, theo chuyên gia này thì, theo lý thuyết này thì..): làm học sinh né tránh, phòng thủ, sợ hãi, có học sinh cảm thấy tự ti, yếu kém.

5. Tán dương, đồng tình (hôm nay các em chấp hành tốt, giải pháp này cô nghĩ em đang làm tốt): ám chỉ sự kì vọng của GV với học sinh, GV như một người bề trên nỗ lực thao túng học sinh, làm cho học sinh thấy bị kiểm soát.

6. Gọi tên, chế nhạo (làm như em biết hết vậy, cứ làm như mình giỏi lắm, em chọn cái đó là ngớ ngẩn): HS cảm thấy bị coi thường, ảnh hưởng hình ảnh của các em với bạn bè, HS buồn, nản, thất vọng, mất kết nối với học sinh.

7. Phân tích, chuẩn đoán (em đang phản đối cô phải không, em đang gây sự chú ý phải không, việc đó em hay làm phải không): HS cảm thấy bế tắc, bất an, mất kết nối.

Cách khắc phục:

 

GV không nên áp đặt ý kiến hoặc hướng dẫn theo quan điểm cá nhân mà không tôn trọng sở thích và khả năng của học sinh. GV nên giữ tính khách quan và đảm bảo rằng học sinh tự do khám phá và lựa chọn nghề nghiệp theo ý thích của mình.

 GV không nên chỉ tập trung vào các ngành nghề phổ biến mà bỏ qua những lĩnh vực khác. GV nên cung cấp cho HS thông tin về các ngành nghề đa dạng để giúp HS có sự lựa chọn rộng hơn. GV có thể sử dụng các nguồn tài liệu, trang web, người chuyên gia hoặc tổ chức liên quan để cung cấp thông tin chi tiết. 

GV không nên chỉ định và hạn chế học sinh vào một ngành nghề cụ thể. Thay vào đó, họ nên khuyến khích học sinh khám phá nhiều lĩnh vực và phát triển nhiều kỹ năng khác nhau để họ có thể thích nghi với thị trường lao động thay đổi. 

GV cần hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp và các chuyên gia để có được thông tin và kinh nghiệm thực tế nhất về các ngành nghề và yêu cầu của thị trường lao động. 

Trong quá trình thực hiện các hoạt động GDHN, GV nên có cách giao tiếp phù hợp với từng học sinh: Mỗi HS sở hữu một tính cách khác nhau và điều này càng rõ ràng khi các em bước vào tuổi dậy thì. Tùy vào mỗi em mà người thầy cô cần có cách giao tiếp, tiếp cận khác nhau, thay vì áp đặt chung một phương pháp gây phản tác dụng. Dưới đây là một số gợi ý:

Tạo ra môi trường tin cậy, an toàn và hỗ trợ: GV nên tạo điều kiện để HS cảm thấy thoải mái và tin tưởng khi chia sẻ về sở thích, mục tiêu và ước mơ nghề nghiệp của mình. HS cần lắng nghe và hỗ trợ HS trong quá trình khám phá và xác định con đường nghề nghiệp phù hợp.

  Trao quyền cho học sinh đưa ra các quyết định có cân nhắc về việc học tập, công việc, mục tiêu sự nghiệp. Khuyến khích học sinh ra quyết định nghề nghiệp dựa trên các quan tâm, khả năng thực sự và định hướng tương lai của chính học sinh. 

 Tư vấn và hướng dẫn cá nhân hóa: GV nên tham vấn và tư vấn cá nhân với HS để hiểu rõ hơn về sở thích, khả năng và mục tiêu của từng HS. Dựa trên thông tin này, GV có thể đưa ra các gợi ý và hướng dẫn cá nhân hóa giúp HS tìm ra lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp. 

Tổ chức hoạt động thực tế và gặp gỡ người đi làm: GV nên tạo cơ hội cho HS tham gia vào các hoạt động trực tiếp, như thực tập, thăm quan doanh nghiệp, gặp gỡ và phỏng vấn các người đi làm trong các ngành nghề khác nhau. Điều này giúp học sinh có cái nhìn thực tế và trực tiếp về các công việc và yêu cầu nghề nghiệp. 

Giúp HS điều chỉnh quá trình chuyển tiếp từ nhà trường sang nơi làm việc cũng như chuẩn bị các em sẵn sàng cho việc học tập suốt đời.