NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP, PHÂN LUỒNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN MƯỜNG KHƯƠNG
Công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh có vai trò quan trọng, là một hoạt động không thể thiếu ở các trường phổ thông nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn hướng đi, phù hợp năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh và đặc điểm tâm sinh lý của bản thân các em, tạo cơ hội cho họ tiếp tục học tập hiệu quả.
Trong những năm qua công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trên địa bàn huyện Mường Khương đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp lãnh đạo, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội. Nhờ có sự định hướng sớm từ phía nhà trường, học sinh đã có nhận thức rõ ràng về việc phân luồng, lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Trong năm học 2023-2024, công tác phân luồng, hướng nghiệp của huyện Mường Khương đã có những chuyển biến tích cực. Số học sinh tốt nghiệp THCS và tham gia học nghề các trình độ tăng dần (trong đó có cả trung tâm GDTX) đạt 28%. Học sinh tốt nghiệp THPT tham gia học nghề ngắn hạn, học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng tăng lên.
Để đạt được những kết quả trên phải kể đến sự chủ động tích cực của ngành giáo dục trong việc tham mưu Huyện uỷ, UBND huyện có nhiều giải pháp chỉ đạo ráo riết, quyết liệt đồng bộ từ huyện đến cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội cùng cộng đồng trách nhiệm; Phòng GD&ĐT làm tốt công tác tham mưu UBND huyện tổ chức Hội nghị tuyển sinh đầu cấp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp; Thành lập các đoàn làm việc trực tiếp với cấp uỷ chính quyền địa phương gặp khó khăn về công tác phân luồng; Kiện toàn Ban chỉ đạo công tác giáo dục huyện, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các xã, thị trấn; tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tuyển sinh đảm bảo đủ số lượng theo chỉ tiêu giao, nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, duy trì số lượng học sinh ra lớp, đặc biệt là các xã còn khó khăn về công tác giáo dục; Triển khai đầy đủ các văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh, phân luồng sau tốt nghiệp của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, UBND huyện, Phòng GD&ĐT về hướng dẫn công tác phân luồng năm học 2023-2024 đến các trường; Phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các trường THPT, PTDTNT THCS&THPT, Trung tâm GDNN&GDTX trên địa bàn huyện, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh tham gia dự tuyển vào các trường THCS, THPT; thông báo công khai kế hoạch tuyển sinh của các trường tại cổng trường, trên bảng tin, trên đài Truyền thanh - Truyền hình huyện; Chỉ đạo các trường phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề liên cấp về “Đảm bảo bền vững và nâng cao chất lượng học sinh các lớp chuyển cấp”; Thực hiện tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, khảo sát nguyện vọng và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị trường đã chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện giáo dục hướng nghiệp theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh; tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dạy học các môn, thực hiện tốt các mô hình trường học; nhà trường đã tích cực tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các em bằng nhiều hình thức như: lồng ghép thông qua các môn học trên lớp, các tiết sinh hoạt lớp; căn cứ vào khảo sát học sinh qua các đề thi thử tại trường và thành tích học tập của các em, nhà trường sẽ tư vấn, phân luồng học sinh để xây dựng kế hoạch ôn tập sát với năng lực. Cùng với đó, trong các cuộc họp phụ huynh nhà trường cũng tư vấn, hướng nghiệp về năng lực cụ thể của từng em để phụ huynh nắm bắt được và có quyết định đúng đắn về việc lựa chọn trường học cho con em mình. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt học sinh cuối cấp để các em có cái nhìn thực tế hơn về ngành nghề, nhu cầu việc làm, từ đó có sự lựa chọn phù hợp.. Nhờ đó, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp có sự chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt kết quả phân luồng học sinh sau TNTHCS năm 2024 của huyện đạt 86% (tăng 8,5% so với năm 2022).
Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan, nhưng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau trung học còn bất cập, đặc biệt là vấn đề tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS bỏ học, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT lao động trực tiếp, chưa tham gia các loại hình đào tạo vẫn còn tồn tại,
Để đạt mục tiêu đề ra và đáp ứng nhu cầu thực tiễn về công tác hướng nghiệp, phân luồng trong những năm tiếp theo ngành Giáo dục đã đưa ra các giải pháp như sau: Trước hết, Phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với các ban, ngành, đơn vị trong công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia các loại hình học tập; nâng tỷ lệ học sinh tham gia học nghề các trình độ; Chỉ đạo quyết liệt công tác phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh đạt mục tiêu giao theo các Quyết định của huyện, của tỉnh; Các đơn vị trường học sẽ tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc huy động học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; tuyên truyền cho học sinh về yêu cầu đối với lao động qua đào tạo để nâng cao chất lượng cũng như tạo thu nhập; Định hướng phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương, xây dựng thương hiệu để phát triển và thu nhập bền vững; Các trường chuyên nghiệp, trường dạy nghề tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh; Đặc biệt, cần có sự kết nối giữa đào tạo với giới thiệu việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng để thu hút người học./.