Lí thuyết mật mã Holland

LÝ THUYẾT MẬT MÃ HOLLAND

Lý thuyết mật mã Holland (Holland codes) thuộc nhóm Lý thuyết đặc tính cá nhân và đặc điểm nghề, được phát triển bởi nhà tâm lý học John Holland (1919-2008). Ông được biết đến rộng rãi nhất qua nghiên cứu Lý thuyết lựa chọn nghề nghiệp. Có thể nói, lý thuyết mật mã Holland là lý thuyết thực tế nhất, có nền tảng nghiên cứu nhất và được các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp trong và ngoài nước Mỹ sử dụng nhiều nhất.

Lí thuyết mật mã Holland đưa ra một số luận điểm rất có giá trị trong hướng nghiệp, trong đó có 2 luận điểm cơ bản là:
• Nếu một người chọn được công việc phù hợp với tính cách của họ thì họ sẽ dễ dàng phát triển và thành công trong nghề nghiệp. Nói cách khác, những người làm việc trong môi trường tương tự như tính cách của mình hầu hết sẽ thành công và hài lòng với công việc.
• Hầu như ai cũng có thể được xếp vào 1 trong 6 kiểu tính cách và có 6 môi trường hoạt động tương ứng với 6 kiểu tính cách, đó là: Nhóm kĩ thuật (KT); Nhóm nghiên cứu (NC); Nhóm nghệ thuật (NT); Nhóm xã hội (XH); Nhóm quản lí (QL); Nhóm nghiệp vụ (NV).

Nội dung cơ bản của 6 nhóm tính cách theo lí thuyết mật mã Holland được thể hiện trong hình dưới đây:

Hình 1. Sáu nhóm sở thích nghề nghiệp theo lí thuyết mật mã Holland

Trong thực tế, tính cách của nhiều người không nằm trọn trong một nhóm tính cách mà thường là sự kết hợp của 2 nhóm tính cách, có khi còn nhiều hơn, ví dụ: Nghiên cứu – Kĩ thuật, Nghệ thuật – Xã hội... Do đó, khi tìm hiểu bản thân có thể phải xem xét nhiều hơn một nhóm tính cách để thực sự xác định được nhóm nào phù hợp với mình hơn cả.

CÁC TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT:

Một người (nam hay nữ) thuộc cả sáu nhóm

Có những người sau khi làm trắc nghiệm thấy mình có sở thích và khả năng rộng, trải đều cả 6 nhóm. Thông thường những người có đặc điểm này phải mất một thời gian dài mới tìm được công việc mình thực sự yêu thích. Cũng có trường hợp, họ sẽ làm một số công việc cùng một lúc.

Một người (nam hay nữ) không thuộc về nhóm nào

Có những người sau khi làm trắc nghiệm thấy mình có sở thích và khả năng rất thấp ở tất cả các nhóm, gần như không nổi trội ở nhóm nào. Thông thường, những người có đặc điểm này cần phải có cơ hội trải nghiệm thêm ở những môi trường hoạt động khác nhau trước khi hiểu bản thân hơn. Có những trường hợp, các em HS có khả năng về mĩ thuật, âm nhạc và thủ công mĩ nghệ nhưng không được gia đình khuyến khích hoặc chưa bao giờ có cơ hội tiếp cận với những lĩnh vực này thì khó có thể biết được những sở thích và khả năng nghề nghiệp của mình.

Một người (nam hay nữ) thuộc về hai nhóm sở thích và khả năng nghề nghiệp đối lập nhau

Có những người sau khi làm trắc nghiệm thấy mình có sở thích và khả năng nghề nghiệp ở các nhóm đối lập nhau, ví dụ như NV và NT; XH và KT; QL và NC. Thông thường, những người có đặc điểm này thường cảm thấy mâu thuẫn với chính bản thân vì các đặc điểm của hai nhóm đối lập rất khác nhau. Những người này sau khi hiểu được bản thân và học được cách kết hợp, dung hòa giữa hai nhóm sẽ tìm được câu trả lời cho mục tiêu nghề nghiệp của đời mình.

Nguồn: Kĩ năng tư vấn cá nhân về khám phá, lựa chọn và phát triển nghề nghiệp cho học sinh trung học