HỘI NGHỊ
Phạm Thị Minh Thúy – Phòng GDĐH&GDTX
Ngày 06/11/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em tổ chức Hội nghị phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2024.
Hội nghị có hơn 100 người tham dự là cán bộ quản lý và giáo viên phụ trách các trường THPT, các trung tâm GDNN-GDTX; lãnh đạo và chuyên viên phụ trách công tác phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh của các phòng GD&ĐT.
Hội nghị đánh giá, phân tích kết quả đã đạt được trọng năm 2024 và chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2025.
Năm 2024, việc phối hợp tham mưu, chỉ đạo công tác phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh được Sở GD&ĐT, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị hướng nghiệp, tuyển sinh tại trường THPT Chuyên; Sở LĐ– TB &XH tổ chức Hội nghị giới thiệu việc làm tại Trung tâm Hội nghị thành phố: với sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trung tâm tư vấn du học và các doanh nghiệp; Chỉ đạo quyết liệt các đơn vị quản lý, cơ sở giáo dục có HS cấp THCS, THPT phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh. Sở GD&ĐT phối hợp với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng bộ tài liệu “Hướng dẫn giáo dục hướng nghiệp dành cho giáo viên THCS” cho cán bộ, giáo viên thuộc 14 trường thử nghiệm mô hình hướng nghiệp và triển khai cho các nhà trường tham khảo và sử dụng linh hoạt phương pháp hướng nghiệp của bộ tài liệu sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp (được thể hiện trong kế hoạch giáo dục môn học, khung giáo án môn học), gợi ý 20 địa chỉ sử dụng phương pháp của bộ tài liệu vào sách giáo khoa hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.
Kết quả năm 2024: Huy động số học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 các trường THPT đạt 66,81%; học lớp 10 tại các Trung tâm GDNN-GDTX (vừa học nghề vừa học văn hóa) đạt 16.26% (tăng 2,1% học sinh so với năm 2023), tổng số học sinh học chương trình THPT: 83,07% (đảm bảo chỉ tiêu Nghị quyết 26-NQ/TU của Tỉnh ủy); vào trung cấp nghề 2.97%, nghề khác 5,13%, tổng số học sinh học nghề trình độ trung cấp (gồm học sinh vừa học GDTX, học nghề), sơ cấp: 24,36% (thấp hơn 5,64% so với mục tiêu Đề án 2567 là 30%); số lao động trực tiếp đạt 8,83% (tăng 0.39% so với năm học trước). Đối với cấp THPT: Tổng số HS tốt nghiệp THPT là 7.787 học sinh, trong đó số đỗ Đại học đạt 45,46% (giảm 1,21% so với năm học trước, đảm bảo chỉ tiêu của Nghị quyết 26-NQ/TU của Tỉnh ủy); học các trường cao đẳng, học TCCN và học nghề đạt 31,61% (thấp hơn 3,39% so với mục tiêu Đề án 2567 là 35%); thôi học tham gia lao động trực tiếp đạt 22,94% (tăng 0,31% so với năm học trước). 14 trường thử nghiệm mô hình hướng nghiệp đã sử dụng có hiệu quả bộ tài liệu “Hướng dẫn giáo dục hướng nghiệp dành cho giáo viên THCS”.
Đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã nhận thức rõ công tác phân luồng, hướng nghiệp và tuyển sinh không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục mà cần sự chung tay của các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp và cộng đồng. Với mục tiêu thực hiện hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giai đoạn 2019-2025 của tỉnh Lào Cai. Đồng thời thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 như sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan truyền thông; nâng cao tỷ lệ học sinh học nghề sau tốt nghiệp THCS, THPT: Các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục cần tích cực phối hợp với các phương tiện truyền thông, sử dụng các nền tảng số và mạng xã hội để quảng bá, tuyên truyền về các chương trình hướng nghiệp, những mô hình đào tạo mới, cùng các cơ hội nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Xây dựng kế hoạch cụ thể và có lộ trình hợp lý để hướng học sinh vào các chương trình học nghề phù hợp, tạo điều kiện cho các em có thể gia nhập thị trường lao động sớm, đặc biệt là các ngành nghề phù hợp với đặc thù kinh tế của tỉnh Lào Cai.
2. Tăng cường liên kết với các trường nghề và doanh nghiệp: Các đơn vị giáo dục cần chủ động liên kết với các trường dạy nghề, các doanh nghiệp địa phương và các khu công nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận, trải nghiệm nghề nghiệp thực tế ngay trong quá trình học.
3. Bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ giáo viên làm công tác hướng nghiệp: Cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên về công tác hướng nghiệp, đảm bảo giáo viên có đủ kiến thức để tư vấn và hỗ trợ học sinh lựa chọn đúng hướng đi. Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn đóng vai trò quan trọng trong định hướng và khơi gợi đam mê nghề nghiệp cho học sinh.
4. Đánh giá và nâng cao chất lượng các chương trình hướng nghiệp: Cần triển khai đồng bộ các hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường, đặc biệt là đối với học sinh bậc THCS và THPT. Các chương trình hướng nghiệp phải thực sự giúp học sinh nhận thức rõ ràng về tiềm năng bản thân, thị trường lao động và lựa chọn ngành nghề phù hợp.
5. Tập trung hỗ trợ vùng khó khăn, dân tộc thiểu số: Các cơ sở giáo dục cần chú trọng hỗ trợ công tác hướng nghiệp tại các vùng khó khăn, nơi học sinh còn ít cơ hội được tiếp cận với các lựa chọn nghề nghiệp phong phú. Tạo điều kiện để các em học sinh vùng cao có thể được tham gia các chương trình hướng nghiệp và đào tạo phù hợp với tiềm năng của địa phương.
6. Tăng cường nguồn lực: Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các tổ chức, các đơn vị và các nhà tài trợ để tăng cường các nguồn lực, từ đó hỗ trợ các cơ sở giáo dục, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện tổ chức hoạt động hướng nghiệp, phân luồng phong phú và hiệu quả.