HỖ TRỢ MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC NÔNG TRẠI CHO TRƯỜNG THCS

   “Chúng em có vườn rau sạch để ăn. Trong kỳ nghỉ Tết, chúng em được tham gia liên hoan có thịt lợn và thịt gà do trường nuôi.” - Nhi, một học sinh tại Lào Cai chia sẻ khi nói về mô hình nông trại trường học sau khi khi được cải tạo.

   Từ học kì 1 của năm học 2020-2021, mô hình trường học nông trại của trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã được Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã tiến hành khảo sát và cải tạo để giải quyết thực trạng thiếu hệ thống canh tác khoa học và chăn nuôi chưa đạt chuẩn vệ sinh, cũng như tăng cường kỹ năng sống cho các em học sinh.

   Trường học đã được hỗ trợ các vật liệu để cải tạo chuồng nuôi gia súc, gia cầm, vườn rau như hệ thống ống nhựa tưới nước, téc nước, lưới che, xi măng, sắt thép,… cùng với tư vấn thực hành “vườn rau an toàn” và “chuồng nuôi an toàn”. Tháng 1 năm 2021, mô hình vườn rau và khu chăn nuôi cải tạo đã được đưa vào sử dụng. Mô hình vườn rau trong nhà lưới với hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh đã giúp vườn rau của trường tránh được những tác động xấu của thời tiết. Khu chăn nuôi được mở rộng, đảm bảo vệ sinh và nằm cách xa khu sinh hoạt của học sinh bán trú.

   Để làm phong phú thêm trải nghiệm mô hình trang trại của trường, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cũng đề xuất thêm nội dung phù hợp để lồng ghép vào chương trình giảng dạy của của trường. Cùng với giáo viên, học sinh trong trường đã được hướng dẫn cách làm đất, gieo hạt, và chăm sóc các loại rau của theo mùa. Các em còn được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm gắn liền với mô hình trường học nông trại như: tìm hiểu về nguồn gốc, tác hại, phân loại và tái chế rác thải cũng như các phương pháp xử lý nước và rác thải sinh hoạt. Nhờ đó, các em đã có những bữa ăn đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm đa dạng, được giáo dục kỹ năng sống và có cơ hội làm quen với các kỹ thuật làm nông.

   Thông qua chương trình, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em mong muốn đảm bảo tất cả trẻ em dưới 18 tuổi trong vùng dự án được học tập, lớn lên khỏe mạnh, được bảo vệ và trở thành những người có đóng góp tích cực cho xã hội!

Nguồn: Dự án "Chương trình phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trọng tâm"