Giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh dựa  

theo khung đánh giá năm nhóm năng lực hướng nghiệp

                                                         Trần Thị Minh Thu

Trước đây, chúng ta vẫn thường đánh giá năng lực hướng nghiệp của học sinh dựa trên các môn học “chính”như văn, toán, lí, hóa, ngoại ngữ mà ít chú ý  các môn học khác như thể dục, hội họa, lịch sử, sinh học... Bên cạnh đó, việc đánh giá học sinh vẫn theo tư duy “xếp thứ hạng” để nhận định một học sinh có học lực đứng thứ bao nhiêu của lớp, một học sinh là giỏi hơn hay kém hơn so với các học sinh khác. Khi đánh giá, thông thường  sẽ xếp thứ tự mức độ thông minh và học giỏi của học sinh từ cao xuống thấp thông qua kết quả các môn học “chính”. Cách đánh giá này có ưu điểm nhất định nhưng hậu quả của nó là triệt tiêu các năng lực được cho là “phụ”, thậm chí còn “dán nhãn” làm con người không phát huy được năng lực riêng, năng lực đặc biệt của cá nhân, có thể dẫn đến nguy cơ mất cân đối nguồn nhân lực….. Nhiều nước trên thế giới không còn áp dụng cách đánh giá này.

Ở Việt Nam, Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chương trình GDTX cấp THCS ban hành kèm theo Thông tư 36/2021/TT-BGDĐT, Chương trình GDTX cấp THPT ban hành kèm theo Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT, Chương trình Xóa mù chữ được ban hành kèm theo Thông tư 33/2021 TT-BGDĐT cũng đã đặt ra yêu cầu đánh giá phẩm chất, năng lực người học.

Các lí thuyết hiện đại về trí thông minh của con người chỉ ra rằng năng lực hướng nghiệp của con người có nhiều mặt và đa chiều. Một trong những nhà tâm lí học đã đưa ra lí thuyết mới về trí thông minh và năng lực hướng nghiệp của con người là tiến sĩ Howard Gardner, giảng viên của trường Đại học Harvard, Mĩ. Ông đã tiến hành nghiên cứu hàng loạt các lĩnh vực như nhân loại học, tâm lí học nhận thức, tâm lí học phát triển, phân tích tâm lí, sinh lí học về động vật và giải phẫu về thần kinh học... để đưa ra một học thuyết có sức thuyết phục và đã được công nhận và sử dụng rộng rãi đó là thuyết đa trí tuệ. Theo đó, trong mỗi con người có ít nhất bảy loại hình thông minh bao gồm: trí thông minh ngôn ngữ, trí thông minh không gian, trí thông minh âm nhạc, trí thông minh vận động cơ thể, trí thông minh lôgic, trí thông minh tương tác cá nhân, trí thông minh nội tâm. Theo Gardner, trong mỗi con người đều tồn tại ít nhất bảy loại hình thông minh nói trên. Bất kì một người bình thường nào cũng có thể phát triển một trong số bảy loại hình thông minh này đến một mức độ đáng kể để có thể sử dụng thành thạo. Và trong cuộc đời mỗi người, bảy loại hình thông minh được thể hiện theo cách khác nhau và duy nhất ở mỗi người, không ai giống ai. 

Dựa vào thuyết đa trí tuệ của Gardner, tiến sĩ Gideon Arulmani, chuyên gia tâm lí học, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp người Ấn Độ đã xây dựng khung năng lực hướng nghiệp đa lĩnh vực bao gồm năm nhóm năng lực hướng nghiệp, sử dụng trong tư vấn hướng nghiệp. Khung năng lực hướng nghiệp đa lĩnh vực đã được thử nghiệm và khẳng định khả năng áp dụng ở nhiều nước đang phát triển, các nước có nền kinh tế mới nổi, đặc biệt ở châu Á. Đây cũng là một những lựa chọn giúp giáo viên, học sinh Việt Nam có thêm lựa chọn ứng dụng trong giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh.

Sau đây là khung đánh giá 5 nhóm năng lực hướng nghiệp: 

1. Nhóm năng lực hướng nghiệp ngôn ngữ

Năng lực hướng nghiệp này phản ánh mức độ thông thạo đối với ngôn ngữ. Đó là khả năng vận dụng từ ngữ và cách diễn đạt. Một người có năng lực hướng nghiệp ngôn ngữ cao thường nhạy cảm với ngữ nghĩa của từ, có kĩ năng sử dụng từ ngữ một cách hiệu quả trong giao tiếp. Khả năng ngôn ngữ có thể được thể hiện dưới dạng nói. Khi phát biểu trước đám đông người đó có khả năng thu hút và duy trì sự chú ý và say sưa của khán giả thấy rõ nhất ở các diễn giả, các chính khách, hoặc khi tư vấn có khả năng phản ánh một cách chính xác tình cảm và cảm xúc của khách hàng, đây là ví dụ về khả năng ngôn ngữ ở dạng nói. Khả năng ngôn ngữ cũng có thể thể hiện dưới dạng viết. Các đoạn văn có sức mạnh làm thay đổi lịch sử dân tộc, những bài thơ tái hiện sinh động tình cảm chạm đến cảm xúc thầm kín sâu xa khiến nhiều người rơi lệ, hay tin thời sự nóng thu hút chú ý của hàng vạn người trên báo chí, trang mạng xã hội là ví dụ thể hiện khả năng ngôn ngữ dưới dạng viết.

2. Năng lực hướng nghiệp phân tích-lôgic

Khả năng tư duy lôgic, phân tích, hiểu mối quan hệ nhân-quả và khả năng giải quyết vấn đề được phản ánh qua năng lực hướng nghiệp phân tích-lôgic. Khả năng hiểu vấn đề và tìm giải pháp cũng liên quan đến khả năng phân tích và ứng dụng lôgic của con người. Tương tự, khả năng phân tích dữ liệu để lấy thông tin, hiểu ý nghĩa của thông tin, xác định qui luật và xu hướng, đưa ra phán đoán… cũng đều có liên quan đến năng lực hướng nghiệp phân tích-lôgic.
Cần lưu ý là năng lực hướng nghiệp phân tích-lôgic hay được đánh đồng với khả năng học toán và khoa học tự nhiên, đây là một quan niệm sai lầm. Rất nhiều hoạt động của con người đòi hỏi lôgic. Để mô tả được thói quen phục trang của một nền văn minh dựa trên ngoại suy từ chiếc lược tìm thấy ở khu vực khai quật, nhà khảo cổ học cũng phải vận dụng kĩ năng phân tích-lôgic không kém gì nhà nghiên cứu các khái niệm toán học trừu tượng.

3. Năng lực hướng nghiệp hình học - màu sắc - thiết kế

Năng lực hướng nghiệp hình học - màu sắc - thiết kế thể hiện khả năng cảm nhận, hình dung và thể hiện các quan sát thành vật thể thực tế. Nó thể hiện tính nhạy cảm với không gian và khả năng sử dụng không gian hai chiều hay ba chiều. Các hoạt động thiết kế liên quan chặt chẽ tới năng lực hướng nghiệp sử dụng không gian. Người kiến trúc sư có thể hình dung trong đầu khi “đặt”một tòa nhà trên một lô đất trống sẽ như thế nào hoặc nhà điêu khắc có thể “giải phóng” hình tượng ra từ khối đá là nhờ tài năng và năng lực hướng nghiệp sử dụng không gian của mình. Nhạy cảm về màu sắc là một biểu hiện khác của nhóm năng lực hướng nghiệp này. Các nhà thiết kế nội thất có thể sử dụng năng lực hướng nghiệp hình học - màu sắc - thiết kế của mình để biến đổi bầu không khí buồn tẻ của một căn phòng chỉ bằng cách thay đổi màu sắc rèm cửa. Cần lưu ý rằng sáng tạo thường bị nhầm lẫn với năng lực hướng nghiệp hình học - màu sắc - thiết kế. Sáng tạo là thuộc tính căn bản của con người mà hầu hết các nhóm khả năng và năng lực hướng nghiệp đều đòi hỏi. Không hiếm gặp các nghệ sĩ và nhà thiết kế thiếu tính sáng tạo, họ chỉ có thể sao chép tác phẩm của người khác. Mặt khác, một nhà văn hay nhà phê bình có năng lực hướng nghiệp sáng tạo lại mang đến tính độc đáo cho nguyên tác của mình, họ thể hiện sự sáng tạo trong nhóm năng lực hướng nghiệp ngôn ngữ hay năng lực hướng nghiệp phân tích-lôgic. Điều quan trọng cần phải hiểu là sáng tạo là thuộc tính căn bản của con người, nó tồn tại khi con người làm bất cứ công việc gì, sử dụng năng lực hướng nghiệp gì, không phải chỉ giới hạn trong một lĩnh vực năng lực hướng nghiệp.
          4. Năng lực hướng nghiệp làm việc với con người

Sự hiểu biết về bản thân và sự nhạy cảm đối với người khác phản ánh năng lực hướng nghiệp làm việc với con người. Người thể hiện tốt năng lực hướng nghiệp này có mức độ nhận thức và kiểm soát cao về tình cảm và giá trị của bản thân. Đồng thời, người đó cũng thường nhạy cảm với tâm trạng và cảm xúc của người khác. Họ thấu hiểu người khác, có khả năng hòa hợp và gây ảnh hưởng tới hành vi của người khác. Cần lưu ý chúng ta hay cho rằng người hướng ngoại là người có năng lực hướng nghiệp cao về làm việc với con người. Đây là một quan niệm sai lầm. Khả năng gây cười hoặc khuấy động một buổi liên hoan phản ánh trí thông minh về giao tiếp với con người, nhưng trí thông minh đó cũng thể hiện tương tự trong khả năng thấu hiểu người khác, một cách lặng lẽ nắm bắt tâm trạng, suy nghĩ, hành vi của họ. Điều quan trọng nhất đối với một người có năng lực hướng nghiệp làm việc với con người là có thể hiểu được một cách lôgic nguyên nhân thúc đẩy một hành vi nào đó và có thể gây ảnh hưởng và tác động tới việc hình thành hành vi của con người.

5. Năng lực hướng nghiệp thể chất-cơ khí

Một số người trong chúng ta có thể điều khiển cơ thể một cách nhuần nhuyễn. Năng lực hướng nghiệp thể chất-cơ khí liên quan đến mức độ làm chủ cách chuyển động và diễn đạt của cơ thể. Đó là sự vận động nhuần nhuyễn.Ví dụ, với những người có năng lực hướng nghiệp thể chất-cơ khí là diễn viên múa, họ “lột tả” được sự đau đớn của một cái cây đang đổ xuống một cách đầy cảm xúc, hay người điều khiển rối nước, họ biết cách truyền cảm giác, tình cảm, cảm xúc, thông điệp thông qua con rối dù không ai thấy họ. Các nghề nghiệp cần đến sức bền và sức mạnh cơ bắp cũng đòi hỏi năng lực hướng nghiệp thể chất-cơ khí. Người hoạt động thể thao chuyên nghiệp, vệ sĩ sẽ cần đến năng lực hướng nghiệp này Năng lực hướng nghiệp này cũng liên quan đến khả năng cơ học. Đó là những người nhạy cảm với các định luật cơ học và có khả năng sử dụng tốt các dụng cụ. Điển hình như các kĩ thuật viên và những người thường xuyên làm việc với máy móc thiết bị thể hiện năng lực hướng nghiệp thể chất-cơ khí phát triển ở mức độ cao.

Các năng lực hướng nghiệp này đều có ở tất cả mọi người. Chẳng hạn trong chúng ta ai cũng thể hiện khả năng sử dụng từ ngữ và nói một ngôn ngữ nào đó. Con người ai cũng có khả năng áp dụng lập luận và kĩ năng về hình học, màu sắc và thiết kế. Cũng như vậy, kĩ năng làm việc với con người, vận động cơ thể hay cơ khí đều được thể hiện qua các hành vi của con người. Điểm cần lưu ý ở đây là đối với mỗi cá nhân, năng lực hướng nghiệp này có thể phát triển cao hơn năng lực hướng nghiệp khác. Đây là điều mà chương trình hướng nghiệp quan tâm. Thông qua quan sát và ứng dụng những kĩ thuật kiểm tra phù hợp sẽ xác định được nhóm năng lực hướng nghiệp nổi trội của một cá nhân. Mức độ cao thấp ở các nhóm năng lực hướng nghiệp sẽ là cơ sở để thực hiện hoạt động tư vấn hướng nghiệp.

Cách tiếp cận nhóm năng lực hướng nghiệp đa lĩnh vực giúp xây dựng một khung đánh giá hữu ích từ đó trong quá trình giáo dục hướng nghiệp, người giáo viên hỗ trợ, hướng dẫn học sinh để một người trẻ tuổi hiểu và xác định được sở thích cũng như khả năng của mình từ đó lựa chọn môn học, cách học, môi trường học tập và lao động để càng có nhiều năng lực hướng nghiệp phù hợp hoàn thành tốt các khâu trong chuỗi công việc thì càng dễ thành công trong nghề nghiệp vì mỗi nghề nghiệp gồm nhiều nhiệm vụ và hoạt động.