Chuyên gia quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là chuyên gia trong việc thành lập và phát triển DNNVV, hoặc trực tiếp quản lí mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là các doanh nghiệp có vốn hoặc số người lao động không vượt quá một số lượng nhất định. Tại Việt Nam, doanh nghiệp có tổng nguồn vốn không vượt quá 50 tỉ đồng hoặc không vượt quá 100 người lao động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, và doanh nghiệp có tổng nguồn vốn không vượt quá 100 tỉ hoặc không vượt quá 300 người lao động trong các lĩnh vực khác thì được gọi là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều hơn số lượng doanh nghiệp lớn và tính tổng thể thì DNNNV sử dụng nhiều lao động hơn. DNNVV cũng thường được coi là đầu tàu sáng tạo và cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực kinh tế
Nhiệm vụ chủ yếu gồm:
1. Xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách, chiến lược và kế hoạch sản xuất của DNNVV;
2. Lập kế hoạch cụ thể về các hoạt động sản xuất bao gồm đầu ra, số lượng, chất lượng, giá thành, thời gian và chi phí lao động; quản lí việc vận hành các xưởng sản xuất và qui trình chất lượng thông qua lập kế hoạch bảo dưỡng, cung cấp dụng cụ, thời gian vận hành;
3. Tuyển dụng, đào tạo, kèm cặp và giám sát nhân viên;
4. Xây dựng, thực hiện, giám sát và điều chỉnh chiến lược bán hàng và quảng cáo tiếp thị của doanh nghiệp;
5. Xây dựng và quản lí ngân sách, tài chính, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh;
6. Điều chỉnh qui trình và nguồn lực để giảm thiểu chi phí.
7. Tham gia góp ý các chính sách, chiến lược hỗ trợ phát triển
Năng lực thiết yếu: Năng lực làm việc với con người
Năng lực bổ sung: Năng lực phân tích - logic
Học vấn tối thiểu: Tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.
Con đường học tập:
1. Theo học ĐH chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp, Quản trị kinh doanh
2. Có thể học tiếp lên sau ĐH
Lĩnh vực chuyên sâu:
Quản lý DNNVV
Ví dụ về nới làm việc:
• Tại các DNNVV
• Cơ quan Nhà nước liên quan đến DNNVV
• Các trung tâm, tổ chức hỗ trợ phát triển DNNVV như Hội DNNVV, Trung tâm xúc tiến DNNVV của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và của các cơ quan khác…
Ví dụ các trường có đào tạo:
Tất cả các trường ĐH có chuyên ngành quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp như ĐH kinh tế quốc dân, ĐH thương mại, ĐH kinh tế TpHCM…
Nguồn: "Sách tra cứu nghề" dự án “Áp dụng Chiến lược Đào tạo G20: Hợp tác giữa ILO và Liên bang Nga”